AICurious Logo
Published on
Sunday, November 25, 2018

Những package cần có cho Ubuntu

1276 words7 min read
Authors

Dưới đây tôi xin giới thiệu một số package tôi thường dùng trên Ubuntu và cách cài đặt. Những package này là các gói phần mềm mà tôi hay dùng, chủ yếu là phục vụ các nhu cầu cơ bản của việc lập trình.

Cần có ở đây chỉ mang ý nghĩa cá nhân theo ý kiến của tôi. Tôi viết bài này để lưu lại như một bản note có thể bỏ ra xem mỗi lần cài lại máy và cũng là để giới thiệu với các bạn những package hay và cần thiết. Các bạn có thể recommend các gói phần mềm bạn hay dùng bằng cách comment xuống dưới để giới thiệu với mọi người.

A. Công cụ cơ bản:

1. Trình duyệt: Chrome:

Trình duyệt Chrome

Tôi chọn Chrome làm trình duyệt mặc định vì nó có hiệu năng tương đối tốt và hỗ trợ đồng bộ các thiết lập và dữ liệu qua tài khoản Google khá tiện lợi.

Các bạn có thể tải về và cài đặt tại link: https://www.google.com/chrome/

2. Nén / giải nén file

Sau khi cài đặt Ubuntu, bạn cần cài thêm một số package để nén / giải nén các định dạng file phổ biến. Việc cài đặt tiến hành bằng một câu lệnh:

sudo apt install p7zip-full unrar

3. Mail client: Mailspring

screenshot

Mailspring là một trình đọc mail khá tốt với giao diện đẹp, dễ nhìn. Cá nhân tôi không thích trình đọc mail mặc định của Ubuntu là Thunderbird mail vì giao diện không đẹp lắm và UX cũng không tốt bằng Mailspring. Thêm một điểm hay nữa của Mailspring là bạn có thể theo dõi khi nào người nhận mở email và nhận thông báo về việc đó.

Các bạn có thể cài Mailspring cho Ubuntu bằng lệnh:

snap install mailspring

4. Office: WPS Office

WPS Office

Bộ Libre Office mặc định của Ubuntu có giao diện không đẹp lắm, dùng không trực quan và có rất nhiều điểm không tương thích với MS Office. Do vậy tôi chọn một bộ Office tốt hơn là WPS Office để dùng. Tôi khá thích bộ Office này vì tính tương thích cao với MS Office, dễ dùng và hỗ trợ tính năng khá hay là chỉnh sửa văn bản theo nhiều tab như trình duyệt.

Các bạn có thể tải về tại đây: http://wps-community.org/

Sau khi cài đặt WPS Office, các bạn nên tải và cài thêm một số font tiếng Việt và font biểu tượng để tránh việc hiển thị sai font trong văn bản.

5. Phần mềm chỉnh sửa ảnh: Gimp

Nếu như bên Windows có Photoshop, bên Ubuntu các bạn có thể thử chỉnh sửa ảnh với GIMP. Phần mềm này tuy các chức năng không được hoàn thiện tốt như Photoshop nhưng nó miễn phí và có rất nhiều chức năng tuyệt vời.

Lệnh cài:

sudo apt install gimp

6. Điều khiển máy tính từ xa

Đôi lúc tôi cần truy cập máy tính từ xa hoặc cần hỗ trợ ai đó, tôi thường dùng TeamViewer. Lưu ý là phần mềm này chỉ miễn phí nếu các bạn sử dụng cho mục đích phi thương mại.

Các bạn có thể tải về tại đây: https://www.teamviewer.com/en/

7. Quản lý phân vùng ổ cứng: gparted

Gparted

gparted có thể nói là package quản lý phân vùng khá nổi tiếng. Bạn có thể cài đặt với chỉ duy nhất 1 lệnh:

sudo apt install gparted

8. Mã hóa dữ liệu: VeraCrypt

VeraCrypt , được phát triển từ TrueCrypt là một phần mềm khá tốt để mã hóa dữ liệu. Được trang bị các cơ chế baỏ mật tiên tiến, nó sẽ giúp bạn tạo một phân vùng mã hóa hoặc mã hóa toàn bộ ổ cứng. Tôi chọn phần mềm này vì nó có khả năng dùng trên nhiều nền tảng (Linux, Windows, macOS).

Các bạn có thể tải về tại đây: https://www.veracrypt.fr/en/.

9. Một số extension của GNOME

Một số extension của GNOME sẽ giúp bạn đơn giản hóa một số việc như Thoát USB an toàn, Quay phim màn hình, Tối ưu không gian làm việc bằng cách loại bỏ title bar (thanh tiêu đề của các cửa sổ) – khi bạn dùng Ubuntu 18.04 trở nên có thể sẽ thấy khó chịu khi thanh tiêu đề khá to chiếm 1 lượng không gian màn hình.

Trước hết hãy cài package gnome-shell-extensions, chrome-gnome-shell:

sudo apt install gnome-shell-extensions
sudo apt install chrome-gnome-shell

Và cài đặt thêm một extension của Chrome GNOME Shell integration : https://chrome.google.com/webstore/detail/gnome-shell-integration/gphhapmejobijbbhgpjhcjognlahblep?hl=en

Tiếp đó bạn có thể truy cập vào trang https://extensions.gnome.org/ để tìm và cài đặt các extension mình yêu thích. Một trong số đó có thể là:

  • EasyScreenCast: quay phim màn hình.
  • Removable Drive Menu: menu gỡ USB – ổ cứng an toàn.
  • No Title Bar: ẩn thanh tiêu đề của các cửa sổ để tiết kiệm không gian.
  • Touchpad Indicator: Một công cụ hữu ích để tắt, bật touchpad tránh tỳ tay vào khi bạn gõ phím. Nó có thể tự động tắt / bật touchpad và trackpoint khi bạn cắm / rút chuột usb.

Sau khi cài đặt Extension EasyScreenCastRemovable Drive Menu bạn có thể thấy góc trên bên trái màn hình xuất hiện 2 biểu tượng để truy cập nhanh vào 2 tính năng này.

B. Công cụ phát triển phần mềm:

1. Terminator:

Terminal mặc định đã có chức năng mở các tab mới. Dù vậy, nếu bạn muốn chạy rất nhiều chương trình từ terminal và muốn quan sát các output đồng thời, có thể bạn sẽ cần đến chức năng chia nhỏ terminal.

Sử dụng lệnh sau để cài terminator:

sudo apt install terminator

2. Editor: VS Code, nano

Tôi chọn VS Code là editor chính của mình, nhưng đôi lúc tôi cũng dùng thêm nano để sửa các file đơn giản trên server qua command line.

Tải VS Code tại trang sau: https://code.visualstudio.com/

Cài nano bằng cách dùng:

sudo apt install nano

3. FTP client: FileZilla

Khi cần sửa các file trên server qua FTP, tôi thường dùng FileZilla. Tôi nghĩ đó là một FTP client khá tốt mà bạn có thể thử.

sudo apt install filezilla
FileZilla

4. Xử lý ảnh: opencv

OpenCV là một thư viên tôi hay cài vào máy mỗi khi phải setup lại. Thư viện này khá thiết yếu khi làm về xử lý ảnh. Bạn có thể tham khảo cách cài đặt cho Ubuntu 18.04 tại đây.

5. Một số package cần thiết khác

  • Build tool: build-essential
  • Quản lý phiên bản: git
  • wget, curl

Các bạn có thể cài đặt bằng cách nhập sudo apt install <tên -package>.

Wrap up

Trên đây là một số package tôi thường sử dụng trên Ubuntu. Bạn có thể chia sẻ thêm về các package bạn đang dùng bằng cách comment xuống dưới nhé.